Mình mới bắt đầu cuốn sách này vào cuối tuần và có vẻ là một cuốn bổ ích để nhắc nhở bản thân những điều đã biết nhưng có thể chưa thực hành được. Tạm ghi chú lại vài dòng suy nghĩ.
Cuốn sách nói về cách sống theo góc nhìn của Phật Giáo. Theo tác giả, một nhà sư ở Tây Tạng, cuộc sống của chúng ta nên có 2 tầm nhìn: 1 là có một cuộc sống đủ đầy, 2 là có một cuộc sống giác ngộ. Phần lớn chúng ta chỉ nghĩ đến số 1 và ít bàn đến số 2. Âu cũng là duyên của mỗi người trong hành trình tâm linh.
Theo góc nhìn của Phật giáo, thứ khiến chúng ta dễ bận tâm nhất, dễ dẫn đến bất hạnh nhất là quá khứ. Quá khứ là một thứ rất khó buông bỏ. Cũng dễ hiểu, ai trong chúng ta cũng phần nhiều dính chấp vào những trải nghiệm đã qua. Ghi nhớ bài học từ quá khứ để không mắc phải những lỗi lầm là điều tốt, nhưng mắc kẹt bởi những thứ trong quá khứ và tâm ý mắc kẹt đó cản trở ta với những dự định của tương lai lại là một điều không nên.
Khi định làm một điều gì mới, hoặc đang loay hoay lạc lối chưa biết sẽ nên làm thế nào, phần lớn nỗi sợ và lo lắng của chúng ta đến từ những trải nghiệm đã qua, những thứ mà chúng ta dễ đóng khung: đó là tôi, tôi luôn là như thế, tôi sẽ không làm được đâu, tôi chắc chắn sẽ không hợp, tôi chưa đủ giỏi đâu vv… Tất cả những ý nghĩ này chủ yếu bắt nguồn từ sự mắc kẹt của ta trong bản ngã của chính mình, của những thứ vốn tạo nên ta của ngày hôm nay. Ngẫm lại cũng đúng. Đặc biệt với người càng nhiều trải nghiệm, sự dính mắc này có thể còn nặng nề hơn, cản trở họ thử nghiệm những điều mới.
Khúc này làm mình nhớ đến câu nói của một khách mời hôm trước lúc ghi hình series Lãnh đạo tỉnh thức. Anh là cựu một chuyên gia tài chính quản lý quỹ nhiều tỷ đô, rất thành công và nhiều tiền. Nhưng khoảnh khắc hạnh phúc nhất khi anh nhận ra: tôi không phải là tất cả những thứ đó, những thứ đã tạo nên tôi. Tôi lớn hơn nó nhiều. Giờ anh trở thành nhà hảo tâm và làm nhiều việc thiện nguyện.
4 chữ Let go the past nghe thật ngắn nhưng hành trình thì thật dài. Một đoạn tiếp theo sách nói về việc suy nghĩ tích cực và xây dựng một hình ảnh tích cực, đẹp đẽ về bản thân. Theo Phật giáo, tất cả là cuộc chơi của tâm trí. Khả năng kiểm soát tâm trí của ta như thế nào sẽ quyết định cuộc đời của ta. Một người luôn suy nghĩ tiêu cực về người khác và chính bản thân mình thì mãi mãi sẽ bất hạnh. Một cuộc đời viên mãn đủ đầy không phải là một cuộc đời không có thử thách, mà là gặp thử thách nhưng bạn không bị vật lộn vùng vẫy (struggling) với nó. Khó khăn luôn nhiều, nhưng cách tâm trí bạn đối diện với khó khăn mới là quan trọng. Suy nghĩ tích cực sẽ góp phần giúp bạn làm điều đó.
Buông bỏ quá khứ, tránh dính mắc vào cái tôi, cái bản ngã vốn có và tập thói quen suy nghĩ tích cực. Những điều nghe tưởng chừng đơn giản và đầy lý thuyết nhưng không dễ thực hành rốt ráo và miên mật. Tự dặn lòng như thế.