Mạng xã hội (MXH) là một phát minh tất yếu của loài người trong hành trình tiến hoá. Với Internet và cái gọi là MXH, thông tin được phơi bày nhanh hơn, tiện hơn, và cảm giác thoả mãn cái tôi cũng lớn hơn. Nó cũng là quy luật của quá trình trưởng thành của mỗi con người. Chẳng cần đến MXH, từ cổ chí kim, con người chúng ta luôn trưởng thành qua những bài học được đúc kết từ hậu quả của việc thể hiện 3 cái thứ: tham, sân, si. Giờ có thêm công cụ MXH, quá trình học này sẽ nhanh hay chậm hơn là tuỳ vào sự trưởng thành tinh thần của mỗi người. Có người cả đời vẫn chưa học xong những bài cũ cho đến khi rời xa cõi hồng trần. Trong quyển sách vừa xuất bản cách đây vài ngày của nhà sử học nổi tiếng Yuval Harari, người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử loài người, với hy vọng dự báo đuọc tương lai, tác gả đặt ra 1 câu hỏi chí mạng: tại sao loài người ngày càng có nhiều thông tin hơn nhưng chưa chắc có thêm trí tuệ? Từ thông tin đến với sự thật còn rất xa. Sự thật sẽ quyết định đến trí tuệ và quyền lực ra sao? Thông tin sẽ giúp chúng ta hiểu được bao nhiêu về thực tại và nó sẽ trở thành công cụ hay vũ khí nguy hiểm ra sao với sự phát triển của AI?
Đây là những câu hỏi đáng suy ngẫm nếu xét tới những gì đã diễn ra trên MXH ở Việt Nam trong 1 tuần qua với chủ đề cứu trợ, cứu nạn, và hoạt động thiện nguyện mùa bão lũ. Có những chuyện của xã hội chỉ trở thành vấn đề khi nó được truyền thông trên MXH, và tất nhiên, những vấn đề được nhắc đến trên MXH chẳng thể phản ánh hết và đầy đủ những vấn đề của thật sự của xã hội. Trong một thế giới quá nhiều biến động và có quá nhiều vấn đề cần giải quyết, thì MXH có thể gây ra một hiệu ứng tiêu cực: làm xao nhãng sự chú ý. Với nồng độ tham sân si được thể hiện ở cấp độ và tốc độ tối đa, loài người lao vào nhau để mổ xẻ những vấn đề mà đôi khi, lõi bản chất của vấn đề đó chỉ xuất phát từ lý do: cách truyền tải thông điệp đó trên MXH. 1 thông tin (từ cấp độ thấp đến cao của tri thức) được chia sẻ + 1 tá cảm xúc tham sân si = những sự xao nhãng không hồi kết. Mark tạo Facebook với sứ mệnh lý tưởng là giúp loài người cởi mở về thông tin và kết nối với nhau tốt hơn. Nhưng song song với hiệu quả kết nối ấy sẽ là một sự mất kết nối trầm trọng bởi lẽ: MXH chỉ kết nối được về mặt thông tin/ tri thức, chứ khó kết nối được về mặt tâm hồn/ độ sâu giữa người với người, vốn bị ngăn cách bởi 1 bức tường của cảm xúc, của sự phát xét, của lòng tham, sân, si cố hữu.
Con người vốn đã khó cởi mở với nhau ngoài đời, nên đôi khi MXH là công cụ thuận tiện để bộc bạch, để “xả”. Nhưng càng xả lại khiến ta dễ mất kết nối bởi những cái nhìn phán xét. Căn bệnh thời đại này trước giờ vốn đã khó chữa, giờ thêm phát triển của Mạng xã hội khiến nó càng trầm trọng hơn. Có thể trong tương lai sẽ xuất hiện những mạng xã hội được “quản trị” một cách chủ đích hơn bởi những người có trình độ và có tâm? Hiện tại hình thức này cũng đã manh nha với những Group cộng đồng theo chủ đề và được quản trị bài bản. Nhưng tất nhiên, lại cũng sẽ phù thuộc vào nhân cách và sự trưởng thành của những thành viên quản trị. Nó như một cái vòng lẩn quẩn. Dễ hiểu vì sao câu hỏi ở trên của Harari khó tìm câu trả lời. Bởi hiểu biết nhiều không đi kèm trí tuệ nếu đó chỉ là sự hiểu biết về mặt lý tính và thiếu đi phần hồn, sự nhạy cảm, yếu tố đạo đức, sự tự tế và thái độ hướng thiện, tu sửa bản thân mỗi ngày. AI cũng chỉ là một công cụ. Mặt tích cực là không thể bàn cãi, nhưng mặt tiêu cực thì tuỳ thuộc vào sự u mê của loài người khi “nuôi” AI bằng dữ liệu gì và thái độ sử dụng AI ra sao. Cái gốc toàn bộ vấn đề không phải ở chỗ AI, mà ở chỗ trí tuệ của loài người, cả lý trí lẫn cảm xúc, sẽ phát triển tới đâu. Trí tuệ ấy sẽ giúp chúng ta tránh sa đà vào những vấn đề trên mạng xã hội để tập trung vào cái gốc cho những giải pháp bền vững hơn.
Cơn bão Yagi và cơn bão thông tin trên MXH về Yagi lại một lần nữa phơi bày nhiều vấn đề thật sự của xã hội, đó là khủng hoảng niềm tin, đó là tầm phát triển của đất nước, và nhiều vấn đề hệ luỵ khác nữa. MXH + sự kiện nhất thời chỉ làm bùng nổ những vấn đề âm ỉ có từ lâu chưa được giải quyết. Nếu để ý, ta có thể thay chữ Yagi bằng chữ lũ lụt miền Trung, hay cứu trợ Covid, hay rất nhiều vấn đề khác của xã hội từ bấy lâu nay chỉ đến dịp lại bùng lên trên MXH rồi có thể chìm vào quên lãng. Vấn đề gốc sẽ mãi không có giải pháp nếu chúng ta quá sa đà với những “vấn đề” trên MXH. Tấm lòng vì đồng bào, tinh thần tương trợ lẫn nhau lúc hoạn nạn luôn là điểm sáng của người Việt chúng ta. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc giúp “con cá” mà lâu dài phải là “cần câu”.
Theo Phạm Việt Anh, một nhà Nghiên cứu về phát biển bền vững thì “Con đường đúng đắn nhất, và chống biến đổi khí hậu hiệu quả nhất là nhanh chóng đưa quốc gia phát triển, trở thành quốc gia hạng nhất”. Thật vậy, muốn ứng phó với các tai ương khí hậu tốt hơn, giảm thiểu được thiệt hại về người và của nhiều hơn thì Việt Nam phải trở thành quốc gia phát triển, phải giải quyết được tất cả những vấn đề lõi về phát triển kinh tế xã hội và phát triển hạ tầng đồng bộ. Những vấn đề tưởng chừng như vĩ mô ấy hoàn toàn có thể được thay đổi bắt đầu từ sự thay đổi ở tầm rất vi mô là cách sống, cách hành xử và hành động của mỗi cá nhân chúng ta. Cơn bão Yagi quét qua phơi bày rất nhiều vấn đề thật sự của xã hội ở tầng sâu chứ không chỉ bề mặt. Cơn bão thông tin về nó trên MXH cũng sẽ phơi bày rất nhiều vấn đề thật sự của mỗi con người chúng ta qua cách ta ứng xử với nó. Thiện nguyện trong ngắn hạn xuất phát từ tâm, và cứu người trong dài hạn cũng sẽ xuất phát từ cách quan sát và thay đổi chính cái tâm của mình.
Ảnh: Đồng An Thư
#Vietnam #Yagi #socialmedia
See less