Hân hạnh mở bát cho mùa 2 podcast Career Check của Host Thu Bình trên kênh Vietsuccess. Cảm ơn nguồn năng lượng tích cực và dẫn dắt khéo léo của Bình đã giúp anh có cơ hội chia sẻ về cái nghề đã chọn mình.
Một vài chia sẻ cho các bạn trẻ quan tâm đến nghề dẫn chương trình nói chung và podcast Host nói riêng.
Với thể loại phỏng vấn trò chuyện, thì điều quan trọng nhất luôn là khách mời. Do đó người Host luôn phải dành thời gian nuôi dưỡng những mối quan hệ chất lượng. Nếu các bạn hướng nội giống mình và không quá quảng giao, quá nhiều mối quan hệ thì tập trung quan hệ với người có nhiều mối quan hệ.
Đôi khi cần vài ba mối quan hệ chất lượng với mạng lưới rộng là đủ. Và để làm điều này thì cần nuôi dưỡng qua thời gian, như tưới 1 cái cây vậy. Không thể đến khi cần mời phỏng vấn mới nhắn tin thì chẳng ai giúp, một mối quan hệ bền thì cần qua năm tháng và sự chăm chút nhất định. Hợp giá trị, nhất quán trong cách sống là điều quan trọng.
Cách đây hơn 15 năm MXH chưa phổ biến thì khó, nhưng bây giờ việc liên lạc, kết nối với 1 anh chị, cô chú nào đó có thể giúp đỡ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Người host/content creator nên có 1 mentor/1 anh chị nào đó để đưa ra lời khuyên, dẫn dắt, góp ý. Nghề làm nội dung, phỏng vấn là một cuộc chơi của danh tiếng, luôn đầy rủi ro. Việc mắc sai lầm là hết sức bình thường, nên cần 1 mentor để chỉ ra bạn đã sai chỗ nào. Với sự phát triển vũ bão của mạng xã hội và viral contents, việc danh tiếng của host đi nhanh hơn năng lực cũng thường xuyên xảy ra, do đó luôn phải cẩn trọng khi say Yes với 1 cơ hội nào đó.
Các bạn Host trẻ ngày nay rất giỏi và nhiều cơ hội nên đôi khi bị FOMO và thiếu tập trung, dẫn đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân bị pha loãng và thiếu nhất quán. Thương hiệu càng loãng thì giá trị càng gỉam và ngược lại trong mắt đối tác, khách hàng. Do đó với thời này thì việc say No, tập trung vào thế mạnh sở trường sẽ là một thử thách. Mọi thứ đều cần thời gian, lúc với vào nghề thì có thể tiếp cận càng nhiều cơ hội càng tốt để xây dựng quan hệ, cọ xát nhưng dần dần cần chọn lọc và tập trung để xây dựng uy tín lâu dài. Ngoài việc đặt câu hỏi, mở rộng quan hệ, cần tạo ra nội dung tự thân trên mạng xã hội, tại các sự kiện gặp gỡ. Đó là một cách để bạn xây dựng uy tín của mình với những khách mời trong tương lai.
Bây giờ có quá nhiều kênh podcast, nội dung ra đời, sẽ rất dễ cho người mới cảm thấy nản và mất động lực khi khó tạo được dấu ấn. Mình nghĩ thị trường và bức tranh về tri thức vẫn luôn có chỗ, không bao giờ là đủ, chỉ là bạn thật sự có bề dày và thế mạnh ở lĩnh vực nào, độ sâu và chuyên môn của bạn ra sao. Khi thị trường nở hoa về số lượng, thì càng thiếu đi những kênh có chất lượng sâu. Đó là một thử thách mà mình và đội ngũ luôn cố gắng để hoàn thiện.
Để làm phỏng vấn hiệu quả, thứ quyết định không hẳn là kỹ năng nói/ hoạt ngôn mà là ở kỹ năng lắng nghe một cách chú tâm. Nghe tập trung và hạn chế sự phán xét, áp đặt quan điểm. Người Host đóng vai trò kích thích ngòi nổ để khách mời thăng hoa, vai trò mở nút thắt để dòng nước chạy xiết chứ không nên thành điểm nghẽn khiến cuộc trò chuyện bị rớt nhịp. Đây là thử thách đòi hỏi liên tục học và sửa mỗi ngày. Mình chưa bao giờ hài lòng hết với những cuộc phỏng vấn đã thực hiện, luôn có điểm cần cải thiện cho những lần sau. Cố gắng tạo dòng chảy - flow theo cảm xúc ngay tại thời điểm ghi hình chứ mọi thứ không nên chỉ phụ thuộc vào một kịch bản đã chuẩn bị trước. Một bậc thầy về dẫn chuyện và lắng nghe các bạn có thể tham khảo là Host Thuỳ Minh của HaveASip chắc các bạn cũng đã biết.
Nếu đã chọn nghề này, phải chấp nhận phơi mình ra trước công chúng và phơi bày điểm yếu. Đó là cách tốt nhất để học và cải thiện. Có nói ra thì mới biết mình sai ở đâu, không nói/viết ra thì có khi mãi mãi chìm sâu trong sự vô minh của chính bản thân và luôn cảm thấy mình đúng. Là Host, nghĩa là bạn là chủ nhà, thì làm sao để khách cảm thấy thoải mái nhất thì họ mới chia sẻ. Gây áp lực, phản biện thì cũng cân nhắc có sự cân bằng chứ không khéo sẽ gây tác dụng ngược.
Mỗi một khách mời sẽ là cầu nối quan trọng cho những khách tiếp theo. Cho nên đừng phung phí bất kỳ một cơ hội nào. Mỗi lần bạn gặp ai, đứng trên sân khấu lớn nhỏ nào, bạn sẽ không bao giờ biết ai đó đang ngồi bên dưới quan sát mình, bạn sẽ không bao giờ biết ai đó đã coi video của mình. Đó có thể là điểm chạm quan trọng khiến bạn có những cơ hội hiếm có sau này. Ngược lại, mỗi một khách mời xuất hiện có thể sẽ quyết định cả việc khách mời tiếp theo có thể say NO, do đó cũng chọn lựa cho kỹ càng khi nhìn vào bức tranh lớn.
Có những khách mời xuất hiện trên show của mình là từ những điểm chạm nhỏ xíu cách đây cả chục năm. Chẳng bao giờ mình nghĩ đến nhưng duyên nó tới thì mọi thứ hội tụ. Cho nên, nếu đã chọn nghề này, hãy kiên nhẫn và đừng phí phạm bất kỳ một cơ hội nào. Có chuyên gia/khách mời nhận lời mình chỉ vì họ đã quan sát thấy mình đi 1 hành trình dài vất vả, thôi thì giúp em nó một cái :))
Còn lại thì, lao vào làm thôi. Chỉ có làm mới biết được mình có thật sự phù hợp với nghề này hay không. Trải nghiệm của chính bản thân là người thầy phù hợp nhất. Trên đây là chỉ là đúc kết của riêng mình, một người đến với nghề một cách tình cờ, có thể không đúng với bạn.
Đây là một lĩnh vực liên quan đến quan hệ con người, nên những giá trị về nhân sinh quan và cách sống với người khác rất quan trọng. Trong kỷ nguyên của sự FOMO và tương tác nhanh, thỉnh thoảng cần chậm lại nhịp để quan sát.