Đã xem ĐRPN, vì cũng hơi đói bụng nên nhớ cái chi tiết liên quan đến món khoái khẩu: nồi lẩu mắm của cô Tư đãi mấy đứa nhỏ. Giống như ăn uống, phim ảnh là sản phẩm mà review của người này vô nghĩa với người khác vì đơn giản là khác khẩu vị thôi. Chả có gì phải căng thẳng. Là fan của lẩu mắm, tất nhiên mỗi lần ăn lẩu từ 1 đầu bếp mới thì mình hay so sánh. Vì không phải đầu bếp nên khi thấy nó không như khẩu vị mình mong muốn thì chỉ biết là thiêu thiếu cái gì đó chứ không thể biết xác là thiếu cái gì.
ĐRPN cũng vậy, giống như một cái lẩu mắm được trình bày cực kỳ đẹp mắt, dồn quá nhiều thứ nguyên liệu hay ho vô 1 cái nồi nhỏ mà vẫn cảm giác nó thiêu thiếu cái gì đó không lý giải được, kiểu như vài chỗ cảm xúc có phần chưa tới, chưa chạm, chưa đã như mong muốn. Thực khách vô tri ham ăn như mình thì chỉ biết vậy thôi. Và tất nhiên đó là khẩu vị rất cá nhân. Quán lẩu đó vẫn có thể đông khách, bán đắt, và ông chủ quán kiêm đầu bếp vẫn happy. Chuyện hết sức bình thường.
Sở dĩ phim DRPN gây chú ý và nhiều tranh cãi có lẽ với chất liệu sẵn có từ cuốn tiểu thuyết xuất sắc của nhà văn Đoàn Giỏi, và từ chính những gì sẵn có của thiên nhiên, con người, văn hoá Nam Bộ chân chất, hào sảng, tương trợ đùm bọc nhau và đoàn kết phản chiến, người ta trông đội ekip "đầu bếp" của DRPN có thể sáng tạo để nấu ra một cái lẩu chất hơn nữa. Nếu cường điệu hoá một chút có thể nói với chất liệu mang đậm tính lịch sử và nhân sinh này, ekip nếu có điều kiện hoàn toàn có thể mạnh dạn đầu tư làm 1 phim nghệ thuật, thay vì thương mại. Một tác phẩm "màu cờ sắc áo" - như chính lời chia sẻ của ekip, để khắc hoạ 1 bức tranh mỹ miều có chiều sâu về đất và rừng phương Nam, về người dân Nam Bộ thời phản chiến để thế hệ trẻ có thể hiểu và trân quý những giá trị của dân tộc. Tất cả là do kỳ vọng cả thôi. Nếu ekip đầu bếp hài lòng với thực khách hiện có, ổn thôi. Còn nếu ekip muốn hướng đến một khẩu vị khác, đáp ứng một trông đợi khác, họ buộc phải thay đổi rất nhiều. Lần trước ăn “lẩu” Em và Trịnh, mình cũng có cảm giác gần tương tự. Xem lại thì thấy dàn ekip đầu bếp có nhiều tương đồng, nên thiển cận đoán mò rằng đây là cách thức mà họ luôn chọn khi “nấu ăn”. Nếu quả thực như vậy, mình không nghĩ những phần sau sẽ có nhiều khác biệt.
Trong một video họp mặt các diễn viên các thế hệ ở cả hai phiên bản truyền hình và điện ảnh trên YouTube, đại diện ekip (hình như là anh Dũng Đạo diễn) đại loại có nói một ý “biết đâu sau này chúng tôi ngồi đây để giao lưu tiếp với một phiên bản khác của DRPN”. Chắc là anh Dũng bông đùa thôi, nhưng quả thực ,trong tương lai biết đâu sẽ có những “đầu bếp” khác nấu lại món này? Bởi nguyên liệu và gia vị của nó quá phong phú và đậm đà. Gia giảm, ưu tiên chỗ nào, hướng tới điều gì hoàn toàn tuỳ thuộc vào tuyệt chiêu của đầu bếp để có thể chạm sâu đến thực khách. Bản chất lõi của nguyên liệu là những gì mộc mạc, thô sơ, tinh tuý nhất của đất và người, thì nó vốn là chính nó, chẳng cần thêm quá nhiều những thứ hào nhoáng bề ngoài như công nghệ, kỹ thuật lung linh, chiêu trò PR Marketing…Sau tất cả, điều đọng lại mãi mãi là những gì thật nhất mà thôi. Nếu có thời gian, có thể tìm xem 11 tập phim truyền hình Đất Phương Nam trên YouTube, để thấy miền Nam của chúng ta đẹp như thế nào, và chúng ta đang có quá nhiều thứ để mất!
Discussion about this post
No posts