Loài người ngoài việc tuân theo thuyết tiến hoá, còn là một giống loài thích đẻ ra các khái niệm để tự làm rối mình trong quá trình thích nghi với sự thay đổi. Hồi xưa hay nghe VUCA, rồi TUNA, rồi BANI, rồi chắc chắn cũng sẽ lại có thêm những từ mới để gây chú ý thảo luận, để phần nào che đậy nỗi sợ về sự thay đổi.
Đâu cần phải đến thế kỷ 20, nhân loại từ bao đời này lúc nào chẳng sống trong kỷ nguyên VUCA, sở dĩ trước đây người ta chưa gọi mặt đặt tên là do người ta chưa biết quá nhiều, thế giới chưa kết nối nhanh và rộng như ngày nay. Càng biết nhiều thì càng FOMO, thì càng sợ, và trong nỗi sợ sệt kết hợp overthinking khiến chúng ta khái niệm hoá mọi thứ để có cái thảo luận và gây sự chú ý.
Biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ thì thời nào cũng vậy. Đặc biệt nếu là doanh chủ, lãnh đạo tổ chức thì họ sống với VUCA mỗi ngày từ bao đời nay chứ chẳng phải đợi đến khi có khái niệm.
Vậy để ra một quyết định quan trọng liên quan đến tương lai bất định, lãnh đạo nên dựa vào điều gì? Dựa vào những kinh nghiệm thành lẫn bại trong quá khứ, hay dựa vào những niềm tin, nguyên lý phổ quát? Theo Triết gia nổi tiếng Immanuel Kant, có 2 loại tri thức quan trọng với 1 con người. Một là tri thức tiên nghiệm (a priori): có trước kinh nghiệm, mang tính phổ quát và cần thiết (vd: toán học, logic, vật lý vv…). Hai là tri thức hậu nghiệm (a posteriori): có được từ kinh nghiệm, mang tính cá biệt và không chắc chắn.
Tất nhiên, kinh nghiệm của con người là một tài sản quý báu, nó giúp ta đúc kết được nhiều bài học và xử lý những tình huống tương tự. Nhưng với những tình huống, viễn cảnh bất định khó lường và ít tương tự, nếu chỉ dùng kinh nghiệm thì dễ khiến rơi vào điểm mù và mắt kẹt trong cái bẫy tư duy của chính mình. Chưa kể, rất nhiều sai lầm có thể được lặp lại cùng một nguyên lý, chỉ theo một cách thể hiện khác do ta quá phụ thuộc vào tri thức hậu nghiệm.
Do vậy, không quá bất ngờ khi nhiều cái tên lãnh đạo xuất chúng của thế giới thành công nhờ vào tri thức tiên nghiệm nhiều hơn là hậu nghiệm.
Ví dụ: Steve Jobs với tri thức tiên nghiệm “Trực giác thiết kế và trải nghiệm quan trọng hơn khảo sát thị trường” và nói 1 câu nổi tiếng: “Người dùng không biết họ cần gì cho đến khi mình chỉ cho họ”. Kết quả ông đã tạo ra iPhone và các dòng sản phẩm Apple huyền thoại thế nào chắc ai cũng rõ.
Elon Musk với “First principle thinking: Bất kỳ hệ thống nào cũng có thể được phân rã thành các nguyên lý vật lý cơ bản và xây dựng lại từ đầu.” Nhờ đó, Musk không mua linh kiện có sẵn mà tự chế tạo từ đầu vì tin rằng chi phí có thể giảm 90% nếu phá bỏ logic cũ. SpaceX làm tên lửa tái sử dụng, chi phí thấp hơn cả chính phủ, tạo ra bước ngoặt trong ngành vũ trụ.
Howard Schultz, sáng lập Starbucks với triết lý “Trải nghiệm không gian và cảm xúc thuộc về cộng đồng quan trọng hơn sản phẩm đơn thuần.” Starbucks thiết kế cửa hàng như “third place” – nơi giữa nhà và công sở với sự đầu tư mạnh mẽ vào âm nhạc, ánh sáng, training barista vv…khiến Starbucks trở thành hiện tượng văn hoá toàn cầu, không chỉ là quán cà phê, mà trở thành một nơi chốn, một cộng đồng.
Tính ra khi học hỏi từ các nhân vật thành công, nên chú trọng đến phần tiên nghiệm của họ nhiều hơn là hậu nghiệm, bởi lẽ hậu nghiệm là ngọn, là một quá trình thực thi dựa trên nền tảng gốc là tiên nghiệm. Những ca thực thi thành công khó lặp lại, bởi nhu cầu, thị trường, thời thế, công nghệ luôn thay đổi, và phụ thuộc vào người thực thi. Còn cái gốc tư duy thì có thể tham khảo để áp dụng, tinh chỉnh trong nhiều điều kiện khác nhau. Điều đáng học ở người thành công không chỉ là “họ đã làm gì”, mà là “họ tin điều gì là bất biến, và hành động từ chỗ đó.”
Tri thức tiên nghiệm đến từ đâu? Chắc chắn không đến từ bên ngoài, và xuất phát từ bên trong sâu thẳm, một quá trình tích luỹ của một nhà lãnh đạo. Nó là sự tổng hoà các yếu tố từ nội tâm, cấu trúc nhận thức sinh học, tư duy nền tảng hình thành từ triết lý sống cho đến trực giác bẩm sinh và rèn luyện qua chiêm nghiệm.
Trong bối cảnh thế giới luôn biến động, thì điều gì là bất biến? Ta có thể ra quyết định, hoặc xác định một tầm nhìn mới ra sao? Những điều bất biến sẽ ảnh hưởng đến những quyết định kinh doanh như thế nào?
Chiều thứ 7 này 28/6, UEH - ISB và Vietsuccess có tổ chức 1 buổi gặp gỡ thảo luận cùng hai vị lãnh đạo nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của họ: công nghiệp và nông nghiệp. Chắc chắn, tri thức hậu nghiệm của họ rất phong phú, nhưng mình cũng tò mò họ đã ra quyết định dựa trên những tri thức tiên nghiệm gì? Những tri thức đó có tác dụng gì trong việc xác lập tầm nhìn cho tổ chức?